- Thưa Bộ trưởng, hiện nay, giá bất động sản đang tăng khá nhanh tại nhiều phân khúc. Thậm chí, có những dự án gần bằng so với mức giá đỉnh điểm ở năm 2011. Một số ý kiến cho rằng, sức nóng của thị trường bất động sản là do đầu cơ chứ không phải xuất phát từ nhu cầu ở thực. Bộ trưởng có ý kiến gì về quan điểm này?
Theo tôi, nhận xét sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhiều giao dịch được thực hiện, nguyên nhân do đầu cơ là không đúng. Bởi, thực tế thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2013 rơi vào cảnh đóng băng, khi đó, dường như không có hoặc có rất ít hiện tượng đầu cơ.
Trước tình hình như vậy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được đưa ra, trong đó, quan điểm gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia được xem như chiếc chìa khoá mở cửa cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại.
Cũng từ đó, các giải pháp nhằm cấu trúc lại thị trường, các dự án cũng như các sản phẩm bất động sản được đưa ra thực hiện, tiến tới đa dạng hoá sản phẩm, hướng đến người tiêu dùng, phù hợp với khả năng chi trả khác nhau của nhiều đối tượng, tiến tới chuyển từ nơi dư thừa sang nơi thiếu nguồn cung. Vì vậy, thị trường đã dần được phục hồi
- Vậy theo Bộ trưởng, liệu nguy cơ bong bóng bất động sản có tái diễn như 4, 5 năm trước hay không, khi mà giá nhà đang tăng nhanh, còn các ngân hàng mạnh tay đổ vốn vào thị trường bất động sản?
Một khi các giao dịch tăng lên thì khả năng về đầu cơ quay trở lại là một thực tế khó có thể tránh khỏi. Vấn đề chính ở đây là, chúng ta phải có sự kiểm soát chặt chẽ để thị trường không phát triển nóng, gây nên nguy cơ bong bóng bất động sản. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần phải tăng cường khâu kiểm soát sự phát triển của các đô thị và cân đối giữa cung-cầu.
Cụ thể, công tác kiểm soát hoạt động của các dự án bất động sản phải được tăng cường, tiếp tục cơ cấu thị trường, dự án và sản phẩm nhà ở, tiến tới phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Để làm được điều đó, cần phải thực hiện Nghị định 11/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị một cách nghiêm túc, trong đó, yêu cầu việc thực hiện dự án phải theo quy hoạch và có kế hoạch cụ thể. Vì thế, các địa phương cần tập trung xây dựng các khu đô thị, thành lập các ban quản lý và xây dựng kế hoạch phát triển để cân đối được cán cân cung-cầu, các nguồn lực, có sự dự báo về khả năng phát triển nhà ở đối với từng khu vực. Từ đó, tình trạng phát triển tự phát theo phong trào như trong thời qua, khiến nguồn cung cầu bị lệch và gây nên khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ được kiểm soát, khắc phục.
- Hiện tiến độ triển khai của các dự án nhà xã hội còn rất chậm. Vậy nguyên nhân do đâu thưa Bộ trưởng?
Hiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội đang dần được hoàn thiện và Luật Nhà ở mới sẽ đi vào cuộc sống trong năm 2015 này, nói như thế để thấy được rằng, chính sách của chúng ta vẫn còn rất mới. Song, với sự quyết liệt của nhiều địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta cũng đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội trong những năm qua, đáp ứng được nơi ở cho gần 200.000 người dân.
Nhưng trên thực tế, công tác triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm. Điều này xuất phát từ việc chính sách mới được hoàn thiện và đây là một chiến lược phát triển được thực hiện trong dài hạn lâu dài, chứ không phải ở trung hạn hay ngắn hạn. Ngoài ra, kinh phí để phát triển nhà ở xã hội là rất nhiều, trong khi ngân sách Nhà nước không đủ để đầu tư mà cần phải xã hội hoá. Bên cạnh đó, còn có một mâu thuẫn nữa là, yêu cầu thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại các đô thị là phải chất lượng tốt nhưng giá lại phải rẻ, để phù hợp với những người thu nhập thấp. Vì lẽ đó nên nhà ở xã hội không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội.
- Vậy, Bộ Xây dựng đang có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ của các dự án nhà ở xã hội, thưa Bộ trưởng?
Điều mà chúng ta cần làm hiện nay là phải đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển nhà xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Trung ương, đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội và coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm và hàng năm.
Các địa phương cần chuẩn bị về quỹ đất, tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn lao động và đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội được thuận lợi. Cùng với đó, cũng cần tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng là các cán bộ, công nhân tại những khu công nghiệp được thuê để cải thiện tình trạng nơi ở mà pháp luật cho phép. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy, chắc chắn người có nhu cầu sẽ từng bước được tiếp cận và cải thiện nơi ở của mình.