Bộ Xây dựng đề xuất ngưng cấp phép khu đô thị mới

Không cấp phép dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trong năm 2014 và nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng là những đề xuất của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị với Thủ tướng.
 
 
Theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng vừa gửi Thủ tướng, đầu năm nay, thị trường bất động sản có xu hướng ấm dần lên, nhưng còn nhiều khó khăn như: hàng tồn kho lớn, dự án xa trung tâm, thiếu hạ tầng đồng bộ vẫn không bán được hàng, giá cả bất động sản vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát dự án phát triển bất động sản trên cả nước. Các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất, đồng thời cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm tránh để đất trống.
 
“Cần kiên quyết tạm dừng, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như nhu cầu của địa phương”, Bộ trưởng Dũng kiến nghị.
 
Bộ trưởng Xây dựng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và xin ý kiến Thủ tướng.
 
Các dự án chưa mở bán còn nợ tiền sử dụng đất có giá thị trường thấp hơn suất đầu tư thì được phép tính lại tiền sử dụng đất theo mặt bằng giá hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.
 
Liên quan đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tính đến giữa tháng 3, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng. Trong đó, nhà băng đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với 31/12/2013. Cụ thể, các ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng và “tiêu” 731 tỷ đồng cho hơn 3.000 khách hàng cá nhân.
 
Ông Dũng đánh giá, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng giúp những đối tượng thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện nhà ở. Điều này tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm. Nguyên nhân là nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2 còn ít, một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay.
 
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Dũng đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh một số quy định. Đối với khách hàng cá nhân, theo ông Dũng cần kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm.
 
Các trường hợp giá trị hợp đồng nhà đất không quá 1,05 tỷ đồng cũng được vay gói 30.000 tỷ đồng thay vì chỉ những nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2. Các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung có khó khăn về nhà ở cũng được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%. Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng kiến nghị, các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà cũng thuộc diện xét vay gói hỗ trợ nhà ở.
 
Ngoài 5 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MHB, Agribank theo Bộ trưởng Xây dựng cần bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
 
Bộ Xây dựng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng để áp dụng thống nhất tránh việc mỗi ngân hàng lại có tiêu chí, quy trình, thủ tục cho vay riêng. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Tổ Công tác liên ngành để chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Theo Landtoday.net