HUẾ - ĐÔ THỊ HẠT NHÂN CỦA VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, Huế được xác định là đô thị trung tâm cấp quốc gia cùng với các đô thị: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Đồng thời, cùng với Đà Nẵng, Huế được xem là trung tâm giữ vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một đô thị có sức lan toả mạnh, tạo đà cho các đô thị trong khu vực miền Trung phát triển.

 

 

 

 

Phạm vi ảnh hưởng rộng

 

Với những nỗ lực không ngừng về mọi mặt và đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đề ra của việc phân loại đô thị loại 1, ngày 24-8-2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg công nhận thành phố Huế là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đây là sự ghi nhận hết sức quan trọng của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đối với sự phát triển về chất của đô thị Huế, qua đó cũng cho thấy những thế mạnh và tiềm năng của Huế.

Xét về vị trí, thành phố Huế là trung điểm của cả nước-là đầu mối của các tuyến đường giao thông quốc gia, rất thuận lợi cho việc khai thác tiềm lực, phát triển quan hệ giao lưu kinh tế-văn hoá với các vùng trong nước và quốc tế; đặc biệt, rất quan trọng trên trục hành lang thương mại quốc tế theo quốc lộ 9. Sắp tới, khi Cảng Chân Mây hoạt động đạt công suất, các cửa khẩu và các tuyến đường quốc tế với Lào được xây dựng và khai thông… thì Huế trở thành trọng điểm giao thông đối ngoại quốc gia và quốc tế; đồng thời, sẽ sôi động với vai trò là một trong các đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang Đông Tây.

Bằng những nỗ lực trong suốt 34 năm qua, Huế đã khẳng định là trung tâm chuyên ngành của khu vực và cả nước về một số mặt trong các lĩnh vực y tế, đào tạo và nghiên cứu khoa học và có đủ điều kiện để phát triển quan hệ giao lưu trong nước, quốc tế. Huế được xác định là trung tâm văn hóa -du lịch của cả nước và là điểm đến của quốc tế. Trước đây, mọi người biết đến Huế bởi quần thể di tích kiến trúc, nay quần thể di tích Cố đô và Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới, được người dân trong nước và quốc tế biết đến... Những chức năng đặc thù đó thành phố Huế đã phát huy được, hơn thế nữa còn khẳng định yếu tố nổi trội của một đô thị duy nhất trong hệ thống đô thị Việt Nam có chứa đựng sự tồn tại phát triển của một hệ thống di sản văn hóa-lịch sử kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, nhà vườn khá độc đáo. Như vậy, một lần nữa khẳng định: Huế có vị trí, chức năng và phạm vi ảnh hưởng mạnh đến vùng kinh tế miền Trung và đang lan tỏa ra địa bàn cả nước, đồng thời có ý nghĩa quốc tế.

 

Kinh tế-xã hội không ngừng phát triển

 

Dù gánh chịu nhiều đợt thiên tai bão lũ, trong đó có sự tàn phá nặng nề từ cơn lũ năm 1999, nhưng bằng sức mạnh của mình, Đảng bộ và nhân dân thành phố Huế đã vươn lên để xây dựng thành phố của mình xứng đáng với niềm tin yêu của lãnh đạo Trung ương, của tỉnh và bạn bè trong nước, quốc tế. Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm sau bao giờ cũng đạt cao hơn năm trước. Năm 2008, dù gặp bao khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lạm phát nhưng tốc độ phát triển kinh tế-xã hội ở Huế vẫn có bước phát triển tốt. Các mục tiêu, dự án trọng điểm được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư, giải toả bờ sông Hương, phường Phú Cát…Trong năm 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huế tăng 13,7%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 940 USD. Doanh thu du lịch của Huế so với năm 2007 tăng 35%, giá trị hàng xuất khẩu đạt kế hoạch 35 triệu USD, thu ngân sách 258,79 tỷ đồng/257,24 tỷ đồng kế hoạch giao. Những tháng đầu năm 2009, các nhiệm vụ đó vẫn được phát huy có hiệu quả.

Đáng chú ý nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây là Huế tập trung đầu tư rất nhiều cho các dự án chỉnh trang đô thị: làm lề đường, vỉa hè, trồng cây xanh công cộng, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường... Những năm gần đây, những dự án chỉnh trang đô thị gắn liền với việc giải toả, định cư cho các hộ dân ở các khu ổ chuột, khu di tích, vạn đò đã khiến cho bộ mặt Huế trở nên khang trang hơn, đời sống người dân được ổn định hơn rất nhiều. Một dự án được nhiều người mong mỏi từ lâu là việc định cư và cải thiện cuộc sống dân vạn đò. Với sự quan tâm và đầu tư của trung ương, của tỉnh, dự án có nguồn vốn ước tính khoảng trên 242 tỷ đồng này được triển khai từ năm 2008 và đang được đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cho thấy, Huế đang tiếp tục tạo được một môi trường khá hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với vùng sông Hương, núi Ngự. Với môi trường đô thị lý tưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, danh lam, thắng cảnh tuyệt vời và sự thân thiện của con người xứ Huế  nhiều hiệp hội trên thế giới đã bắt đầu chọn Huế là nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng. Trong năm 2007, Huế đã đăng cai và tổ chức rất thành công hội nghị các thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF). Trong tháng 7/2009, Huế cũng là thành phố đứng ra tổ chức hội nghị liên minh các thành phố lành mạnh ở khu vực Châu Á.

 

Tiếp tục phát huy thế mạnh

 

Ngày 30-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 143/2007/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng thành phố Huế, thành phố Festival. Mục tiêu của đề án là: “Xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hoà với thành phố Festival. Thành phố Festival Huế là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Rõ ràng, vai trò, vị thế của Huế đã và đang tiếp tục được Trung ương tin tưởng, đánh giá cao.

Để phát huy thế mạnh của mình, trong định hướng sắp tới của thành phố Huế, đồng chí Lê  Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Huế cho biết “Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế đến năm 2020, định hướng sắp tới của thành phố Huế là tiếp tục bổ sung và hoàn thiện quy hoạch không gian, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên quy hoạch phát triển du lịch-dịch vụ. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình trọng điểm, các dự án mục tiêu nhằm tạo điều kiện và tiền đề phát huy thế mạnh của thành phố Festival; quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị cho tương xứng với thành phố du lịch”.

Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân thành phố Huế đang quyết tâm nỗ lực trên tất cả các mặt để góp phần cùng với tỉnh thực hiện “Đề án xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”.